Những ai có dịp ngang qua khu lăng mộ của vua và các dũng sĩ
săn voi nằm tại xã Krông Na hẳn không nén được cảm giác rờn rợn. Cảnh thâm u
nơi đây vẫn bí ẩn với nhiều người.
Khu lăng mộ (nằm tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk)
vừa là công trình kiến trúc độc đáo, vừa là nét văn hóa tâm linh của đồng bào
dân tộc với nhiều nét kỳ lạ, chẳng nơi nào có được.
Con voi trắng huyền thoại
Nhà ông Y Phương (60 tuổi buôn trưởng buôn Trí B, xã Krông
Na - người biết rõ tường tận về “vua săn voi”) có kiểu kiến trúc hiện đại, bước
vào trong nhà, cái nóng bị xua tan, thay vào đó là cảm giác dễ chịu, mát lạnh.
Ông Y Phương vừa rót nước vừa hỏi: “Các cháu đến đây tìm hiểu
về lăng mộ của vua săn voi?”. Chưa vội trả lời, ông nén tiếng thở dài, cho biết,
40 năm qua, rất nhiều người đến nhà ông hỏi về câu chuyện này, ông đã nói nhiều
nhưng cũng không thấy một sự quan tâm nào hết, một nén hương thắp trên ngôi mộ
cũng không có. Vì thế, nay ông gần như mất cảm hứng kể câu chuyện này cho người
ngoài mà chỉ dạy cho con cháu của mình biết tôn thờ, trông coi những ngôi mộ.
“Ở khu mộ này vua săn voi chỉ có một, còn lại là Gru (dũng
sĩ hay nghệ nhân săn voi)”. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện truyền miệng về
vua săn voi theo trí nhớ của hậu duệ trong dòng tộc. Theo đó, ông Y Thu K’Nul
(1828 - 1938) bố là người M’Nông mẹ là người Lào, ông được vua Xiêm La gọi là
Khun Su Nốp, có nghĩa “vua săn voi” khi hiến tặng một con bạch tượng.
Khu lăng mộ này vừa là một công trình kiến trúc độc đáo, vừa
là một nét văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc nơi đây, với nhiều nét kỳ lạ,
chẳng nơi nào có được.
Thời bấy giờ ông Y Thu là ông tổ của nghề săn bắt và thuần
dưỡng voi rừng tại khu vực Tây Nguyên, ông bắt được khoảng gần 500 con voi rừng
và được người dân xem là một tù trưởng có nhiều thế lực, uy tín. Các tộc trưởng
ở Tây Nguyên tôn trọng. Trong một chuyến đi săn, ông mang về một con bạch tượng.
Sau khi thuần dưỡng đã đem tặng cho vua Xiêm La nên được vị vua nước này quý trọng.
Theo tục lệ của người M’Nông hay các dân tộc ở Lào và Xiêm
La, voi trắng là hiện thân của vua chúa, sức mạnh của quyền lực. Chính nhờ việc
bắt được con voi này mà danh tiếng của vua săn voi Y Thu vang danh bốn phương.
Vì nể phục Y Thu nên vua Bảo Đại thường lệnh cho ông tháp tùng trong những chuyến
đi săn. Sau khi ông qua đời, đích thân vua Bảo Đại và người Pháp đã thiết kế
lăng mộ có đường hầm dẫn vào bên trong rồi cho các kỹ sư nổi tiếng thời bấy giờ
xây dựng.
Các biểu tượng voi và chim công trên lăng mộ Ama Kông.
Theo phong tục của đồng bào M’Nông, nếu không có việc gì thì
không ai được phép vào vì như vậy sẽ quấy nhiễu người chết, làm kinh động các hồn
ma. Còn đối với khu lăng mộ của các Gru này, bất cứ ai xâm phạm đều là điều cấm
kỵ. Trước khi người lạ vào nơi cấm địa phải được sự đồng ý của người quản lý
khu lăng mộ trong dòng họ sau đó làm lễ cũng để các vị thần linh đồng ý và chứng
giám. Không chỉ cấm người lạ, thung lũng của các chiến binh săn voi cũng là nơi
bất khả xâm phạm của người bản xứ.
Kẻ nào dám vi phạm sẽ bị luật tục của buôn làng phạt. Tội nhẹ
thì phạt chiêng phạt ché, tội nặng thì bắt mổ trâu, bò để tạ tội, thậm chí là
trục xuất ra khỏi cộng đồng.
Cận cảnh bộ đồ nghề bắt voi rừng của huyền thoại Ama Kông
Sáng 15/2, Khăm Phết Lào, con trai của vua săn voi Ama Kông
(buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã tặng bộ đồ nghề bắt voi của
cha cho Bảo tàng Dân tộc Việt Nam.
Thám hiểm lăng mộ… voi
Đầu tiên ông dẫn chúng tôi ra thăm mộ “vua săn voi” Ama
Kông, con rể của vua voi Y Thu, ngoài tài săn bắt và thuần dưỡng 298 con voi,
ông còn tạo nên thương hiệu thuốc “Ama Kông” lẫy lừng. Dễ nhận thấy đây là ngôi
mộ của một bậc vương giả giữa chốn rừng sâu. Các họa tiết, chạm khắc trên mộ
tinh xảo. Trước lăng mộ có biểu tượng hình voi, mãnh thú và chim công được tạc
bằng gỗ và sơn màu sặc sỡ.
Ông Y Phương cho biết, người M’Nông ăn với voi, ngủ với voi,
có khách tới nhà là gia chủ kể chuyện về voi. Khi voi chết được cung kính, chôn
cất tươm tất như người. Vì thế, bao đời nay, người M’Nông xem voi là biểu tượng
gắn liền với bản thân từ lúc sinh cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Mộ Ama Kông.
Ngay trong lúc tổ chức đám ma, các già làng cho đẽo 4 hình
con công ngồi trên ngà voi, nó là biểu trưng của người giàu có, uy tín, được
dân làng nể trọng. Cũng vì loài chim công có bộ lông sặc sỡ nên được tổ tiên
người M’Nông ví là nữ hoàng nhan sắc của các loài chim. Hy vọng loài chim này sẽ
dẫn đường cho linh hồn người quá cố về thế giới bên kia an toàn.
Quay ngược lại đi trên con đường đất đỏ vào thăm khu lăng mộ
thâm u bí hiểm của vua săn voi Y Thu. Bên trong cánh cổng sắt đã mở sẵn có khoảng
hơn 20 ngôi mộ cổ có kiến trúc độc đáo nằm lọt thỏm giữa khu rừng. Sau khi làm
lễ vái lạy theo chỉ dẫn của ông Y Phương, bước từng bước cẩn trọng nhẹ nhàng tiến
sâu vào trong, dễ nhận thấy ngôi mộ của vua săn voi Y Thu nằm ngay giữa trung
tâm khu nghĩa địa, ngôi mộ có hình dáng như một tháp nhọn chọc thẳng lên trời,
cùng bên cạnh là một ngôi mộ hình vuông lớn.
Khác với những ngôi mộ của các Gru xung quanh, ngôi mộ của
Khun Su Nốp được xây rất lớn nhưng lại không có họa tiết rườm rà và tượng chim
công. Nó mang vẻ hoang sơ với màu xám xi măng. Những ngôi mộ của các Gru khác,
bên trong ngôi mộ là những dòng chữ ghi rõ họ tên, năm sinh, năm mất, thành
tích săn bắt thú dữ và thuần dưỡng voi rừng mà lúc sinh thời họ đạt được.
Nhưng những dòng chữ trên mộ vua voi đã bị bào mòn theo năm
tháng, bởi không một lần được trùng tu, tôn tạo. Những dòng chữ mờ bị rêu xanh
phủ bám. Sự bề thế giàu có một thời đã chìm khuất theo thời gian.
Ông Y Phương cho biết, trước kia đây là cánh rừng bạt ngàn
cây cối giữa một thung lũng của xã Krông Na. Sau khi vua săn voi Y Thu K’Nul
qua đời, ông được chôn cất ở đây. Điều đặc biệt không phải người nào trong vùng
sau khi khuất núi đều được an táng ở đây. Khu nghĩa địa này chỉ dành riêng cho
những dũng sĩ săn voi nổi tiếng ở bản Đôn. Nó nằm tách biệt với cộng đồng dân
cư. Và ở đây còn tồn tại rất nhiều tượng voi và sự huyền bí.
Cách đây hơn 10 năm, một số kẻ gian lợi dụng đêm tối đã lẻn
vào đào trộm mộ của vợ chồng ông Y Thu, lấy đi một số cổ vật của “vua săn voi”
mà quốc vương Xiêm La và các tù trưởng ở Tây Nguyên tặng. Năm 2013 gia đình ông
Y Phương tự bỏ tiền xây bờ rào và làm một cánh cổng sắt lớn để bảo vệ khỏi sự
xâm hại của kẻ xấu.
Không bề thế như ngôi mộ ông tổ săn voi, mộ của già làng Y
Dot Knul được xây kiên cố, tường được trang trí hoa văn rất lạ và được khắc
hình 3 chú voi ngà dài đang trong thế ung dung rảo bước giữa rừng già. Dựa vào
thông tin trên bia đá, già Y Dot mất năm 81 tuổi, chiến công bắt và thuần dưỡng
28 con voi rừng.
Ra khỏi khu mộ huyền bí, ông Y Phương thở dài: "Mấy năm
nay, những đoàn khách du lịch vẫn thường xuyên tới thăm khu lăng mộ này và họ
chỉ biết được sự bề thế giàu có của lăng mộ, nhưng ít ai biết về vẻ đẹp tâm
linh của nó".
Khu lăng mộ của các chiến binh, dũng sĩ săn voi từ lâu đã được
người dân khắp vùng Tây Nguyên xem là nơi linh thiêng chứa đựng biết bao bí ẩn lẫn
những câu chuyện mơ hồ, huyễn hoặc. Bảo vệ sự bí ẩn xung quanh thung lũng thần
bí của các chiến binh huyền thoại, các già làng từ đời này qua đời khác đều
khuyên răn con cháu rằng đừng dại dột mạo phạm đến nơi an nghỉ của họ. Qua thời
gian những hình tượng voi mãnh thú vẫn ngày đêm canh giấc ngủ ngàn thu cho chủ
nhân trong cõi huyền sử đầy bí hiểm.
Nguồn: https://news.zing.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét