Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang trưng bày, giới thiệu chiếc thuyền
độc mộc của dân tộc Mnông Rlăm (huyện Lắk, Đắk Lắk). Thuyền dài 800cm, rộng
47cm có dáng hình con thoi, đáy phẳng, thành thuyền hơi vát, lòng hẹp và dài,
hai đầu thuyền thuôn thắt về phía trên. Dáng thuyền trông mảnh mai, gọn nhẹ
nhưng chắc chắn.
Xưa kia, các dân tộc tại chỗ nơi đây thường chọn khu vực gần
sông Krông Knô, Krông Ana, hồ Lắk để định cư. Trong những hoạt động kinh tế đảm
bảo đời sống như săn bắt, hái lượm thì đánh bắt cá là hoạt động phổ biến ở khu
vực gần sông, hồ. Chính điều kiện môi trường sống như vậy, trải qua quá trình
phát triển của lịch sử họ đã biết chế tạo ra chiếc thuyền độc mộc để làm phương
tiện đi lại và khai thác thủy sản.
Giống như ghế Kpan, trống cái Hgơr, thuyền độc mộc được làm
từ nguyên một thân cây gỗ lớn. Thuyền có dáng hình con thoi, đáy phẳng, thành
thuyền hơi vát, lòng hẹp và dài, hai đầu thuyền thuôn thắt về phía trên. Dáng
thuyền trông mảnh mai, gọn nhẹ nhưng chắc chắn. Cây gỗ để làm thuyền phải có đường
kính lớn, thân thẳng, gỗ nhẹ nhưng chắc thớ, không nứt, không bị mối mọt và chịu
được nước.
Sau khi chọn được cây gỗ ưng ý, người ta đốn hạ cây và bắt
tay vào công việc chế tạo thuyền. Người thợ dùng rìu chặt hết cành, bỏ phần gốc
và ngọn, giữ lại phần thân và chia thân cây ra từng đoạn ước chừng đủ chiều dài
của chiếc thuyền cần làm. Không sử dụng thước đo mà chỉ dựa vào kinh nghiệm, họ
tính toán sao cho tỷ lệ giữa thành và đáy thuyền phù hợp để khi hạ thủy thuyền
nổi trên mặt nước và cân bằng. Điều này cho thấy sự tài tình của người thợ và
không phải người thợ nào cũng có thể tính toán được. Sau khi đẽo bên ngoài
xong, họ tiến hành đốt phần mặt thân cây để tạo độ rộng làm thành lòng thuyền.
Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm: vừa không cho lửa cháy phạm
vào phần gỗ chừa lại làm thuyền, vừa không tắt lửa sớm khi chưa đạt độ rỗng cần
thiết. Cũng có một số nơi, người thợ chỉ sử dụng rìu đẽo mà không dùng lửa đốt
tạo lòng thuyền. Trong Đại cương về các dân tộc Êđê, Mnông ở Đắk Lắk (Bế Viết Đẳng,
Chu Thái Sơn, Vũ Thị Hồng, Vũ Đình Lợi, Nxb Khoa học xã hội, 1982) có viết: “…
làm thuyền đòi hỏi những khả năng nhất định và gắn liền với nhiều quan niệm mê
tín nên chỉ có một số người biết nghề và được coi là có thể chuyên làm. Người
ta làm thuyền chủ yếu là để bán. Một cái thuyền trị giá bằng một con trâu mộng.
Nhưng khi mua, điều quan trọng không chỉ là ở chất lượng có thực của cái thuyền
mà người ta còn cầu khấn để biết khi dùng có dễ gặp may hay không”
Theo thời gian, nghề làm thuyền độc mộc đang dần dần mất đi
bởi những người biết đẽo thuyền không còn nhiều và những cây gỗ lớn để làm thuyền
ngày càng khó tìm, cùng với sự phát triển của các phương tiện giao thông, các
công trình thủy điện đã tác động đến việc sử dụng thuyền độc mộc. Việc biến mất
hình ảnh những chiếc thuyền độc mộc trên hồ Lắk, các con sông lớn để lại cảm
giác nuối tiếc một nét đẹp trong đời sống đồng bào nơi đây.
Từ những tư liệu, hiện vật, Bảo tàng Đắk Lắk cung cấp những
thông tin để khách tham quan, những nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu, bổ sung tư
liệu về thuyền độc mộc của các dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Lắk cùng các dân tộc sống
trên mảnh đất Tây Nguyên và có thể tìm ra những nét tương đồng với các dân tộc ở
phía bắc như người Tày ở hồ Ba Bể (Bắc Kạn),…
http://daklakmuseum.org.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét