“Trái tim này đặt trọn nơi núi rừng
Tâm hồn này rong ruổi khắp muôn nơi.”
Sài Gòn một ngày mưa tháng một, khi mà dòng người vẫn còn
đang hối hả, khi mà công việc và những mối quan hệ thường nhật đang kéo tôi lao
vào vòng xoay không ngừng của chúng. Cảm giác ngột ngạt khiến tôi quyết định rời
Sài Gòn, lên đường đi tìm một khoảng không, một vùng đất mới, nơi có không khí
trong lành, đủ tĩnh lặng để tìm chút cảm giác tự do, chút thơ trong tâm hồn. Bắt
chuyến xe ở bến miền Đông, vượt qua đoạn đường hơn 350 km trong đêm, tôi chọn
du lịch Đak Lak làm nơi trú chân cho riêng mình.
Con đường tuyệt đẹp trong chuyến đi.
Đak Lak là một tỉnh ở Tây Nguyên Việt Nam, với thiên nhiên
hùng vĩ, rừng núi trùng điệp cùng khí hậu vô cùng mát mẻ vào những tháng cuối
năm. Bên cạnh việc là một nơi dừng chân lý tưởng cho những ai đã quá mệt nhoài
với cuộc sống ồn ào nơi phố thị, Đak Lak còn là nơi dành cho những ai yêu cái đẹp.
Đối với những kẻ lãng du, hạnh phúc đôi khi không phải là đến
được đích mà nó còn tồn tại trên những cung đường mà họ đi qua.
Thác Krong Kmar, vườn quốc gia Chư Yang Sin
Cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 50 km về phía Đông Bắc, tôi
tìm đến thác Krong Kmar nằm trong khu vực vườn quốc gia Chư Yang Sin, thuộc huyện
Krông Bông, tỉnh Đak Lak. Trên chiếc xe máy cũ kĩ thuê được ở thành phố Buôn Ma
Thuột, tôi cùng vài người bạn rong ruổi khắp mọi nẻo đường miền núi, men theo
quốc lộ 27 rồi rẽ vào đường tỉnh 12 dẫn vào Krong Kmar.
Đường tỉnh 12, những cánh đồng xanh bát ngát.
Tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy cảnh vật tuyệt đẹp nơi
đây, cố chạy thật chậm trên đường, hít thở thật sâu để tận hưởng bầu không khí
trong lành, ngắm nhìn cuộc sống yên bình và chậm rãi của người dân miền núi,
thi thoảng đâu đó có tiếng chim hót vang vọng giữa núi rừng.
Hai bên con đường thưa thớt người là những cánh đồng xanh mướt,
xa xa là những ngôi nhà gỗ đặc trưng của người miền núi, khói của bếp lò chuẩn
bị bữa trưa tỏa trên mái nhà, hòa vào màn sương mờ ảo trên những đỉnh núi tạo
nên một khung cảnh nên thơ mà không một lời lẽ trau chuốt nào có thể diễn tả hết
được.
Đường tỉnh 12 nhìn từ ngọn đồi phía trên.
Đối với những kẻ lãng du, hạnh phúc đôi khi không phải là đến
được đích mà nó còn tồn tại trên những cung đường mà họ đi qua. Dừng chân bên
đường, bước xuống cánh đồng xanh màu lúa mới, hòa mình vào thiên nhiên, mới thấy
được trước thiên nhiên chúng ta nhỏ bé đến nhường nào.
So với thiên nhiên, chúng ta nhỏ bé đến nhường nào.
Chụp vài bức ảnh lưu giữ kỉ niệm nơi đây, tôi tiếp tục chuyến
du lịch Đak Lak, tiến về Krong Kmar, thỉnh thoảng lại bắt gặp những chuyến xe
bò chở đầy ấp rơm, hay vài ba chuyến xe chở người bản địa lên rẫy, vẫy tay chào
nhau, nở một nụ cười thân thiện, bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để chúng tôi cảm thấy
ấm lòng.
Chuyến xe chở người bản địa lên rẫy.
Theo như những gì tôi quan sát và cảm nhận được thì cuộc sống
của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả, cuộc sống mưu sinh chủ yếu phụ
thuộc vào nghề nông, làm rẫy, các em nhỏ miền núi người dân tộc đến trường
trong những bộ quần áo lấm lem và ngôi trường cũng đã xiêu vẹo đi ít nhiều
nhưng nhìn những nụ cười luôn hiện diện trên môi các em, tôi hiểu rằng con người
nơi đây tuy có phần khó khăn nhưng lại vô cùng hạnh phúc, hạnh phúc lẽ vì xung
quanh họ toàn là cái đẹp.
Các em nhỏ người giờ tan trường.
Nhiều lần trên đường, tôi tưởng tượng một lần mình được sống
ở đây, trong mái nhà gỗ nhỏ nhắn kia, thức dậy vào một sáng tinh mơ, nghe tiếng
gà gáy, tiếng chim hót, phía sau là đồi núi mờ sương, phía trước là cánh đồng
xanh bát ngát cùng con đường nhỏ trải nhựa, nhìn các em nhỏ chuẩn bị cắp sách đến
trường và người lớn thì chuẩn bị lên rẫy bắt đầu công việc của ngày mới. Tôi tự
hỏi còn điều gì tuyệt vời hơn? Hình ảnh đó thật sự khó phai trong tâm trí tôi.
Cánh đồng xanh màu lúa mới, xa xa là ngôi nhà gỗ đặc trưng của
người dân miền núi.
Cây cầu sắt dẫn vào vườn quốc gia Chư Yang Sin.
Đến vườn quốc gia Chư Yang Sin khi nắng đã dịu đi đôi chút
nhưng trời thì vẫn còn se lạnh, chúng tôi nhóm lửa bên dòng suối, ăn vội bữa
trưa lót dạ rồi thả mình xuống dòng nước mát lạnh, trong vắt chảy xuống từ thác
Krong Kmar nằm ngay chân dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ, nơi đây vô cùng đặc biệt
bởi những bãi đá trải dài theo dòng sông, nước trong vắt với những bãi tắm tự
nhiên.
Chúng tôi nhóm lửa bên dòng suối, ăn vội bữa trưa lót dạ.
Những bãi đá trải dài cùng chiếc cầu treo dẫn vào vườn quốc
gia Chư Yang Sin.
Bạn hãy thử một lần ghé thăm nơi này, ngâm mình dưới làn nước
kia, bao quanh là núi rừng với tiếng chim hót vang vọng và tiếng nước chảy réo
rắt, thời gian như trôi chậm đi và mọi phiền muộn, lo toan sẽ bị cuốn đi theo
dòng nước, sẽ là một cảm giác vô cùng tuyệt vời cho những ai đã một lần đặt
chân đến đây.
Thả mình xuống dòng nước mát lạnh, trong vắt chảy xuống từ
thác Krong Kmar nằm ngay chân núi Chư Yang Sin hùng vĩ.
Thác Dray Nur, thủy điện Buôn Kuốp
Điểm đến tiếp theo trong chuyến du lịch Đak Lak của chúng
tôi là thác Dray Nur và thủy điện Buôn Kuốp. Nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột
25 km về phía Nam, đi theo quốc lộ 14 rồi rẽ vào theo bảng chỉ dẫn, chúng tôi đến
được thác Dray Nur.
Trên con đường dẫn vào thác Dray Nur.
Thác Dray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống ba
thác: Gia Long – Dray Nur – Dray Sáp, là sự kết hợp giữa hai dòng sông Krông
Ana (sông cái) và sông Krông Nô (sông đực), hai dòng sông hòa quyện, quấn quýt
bên nhau cùng đổ về dòng Sêrêpốk huyền thoại.
Khung cảnh nên thơ lạ kỳ của thác Dray Nur.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân đến nơi này là vô
cùng choáng ngợp trước sự hùng vĩ của dòng thác mạnh mẽ này, bọt tung trắng
xóa, hơi nước ngập tràn bao quanh không khí khiến cho dòng thác trở nên nên thơ
một cách lạ kỳ.
Một hồ nước nhỏ màu xanh ngọc tuyệt diệu.
Thác Dray Nur từ góc nhìn khác.
Bạn nên mang theo thức ăn nhẹ hoặc có thể tìm mua ở các hàng
quán gần thác, thức ăn chủ yếu được bán ở đây là các món thịt nướng.
Món ăn chủ yếu được bán ở đây là các món nướng.
Các quầy hàng bên bờ thác Dray Nur.
Hai em nhỏ người dân tộc.
Sau khi nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp bên dòng thác,
chúng tôi lại tiếp tục lên đường tiến sâu vào bên trong, men theo con đường nhỏ
hai bên đầy cỏ dại, thủy điện Buôn Kuốp dần dần hiện ra phía dưới chân đồi.
Men theo con đường nhỏ tiến vào phía trong.
Lại một lần nữa tôi rùng mình trước cảnh vật, đứng giữa con
đường nhỏ đầy sỏi đá, một bên là núi đồi của thiên nhiên hùng vĩ, một bên là
công trình thủy điện đồ sộ được tạo nên từ bàn tay con người, sự kết hợp giữa
thiên nhiên và nhân tạo không những không đối lập mà còn hòa quyện vào nhau tạo
nên một cảnh tượng mà hình ảnh của nó sẽ còn đọng lại trong tâm trí tôi rất lâu
sau này.
Thủy điện Buôn Kuốp dần dần hiện ra phía chân đồi.
Thủy điện Buôn Kuốp nhìn từ phía chân đồi.
Thủy điện Buôn Kuốp từ một góc nhìn khác.
Cùng nhau chụp một bức ảnh lưu niệm rồi lên đường trở về
Buôn Ma Thuột để về lại Sài Gòn, trên đường trở ra tôi cứ mải quay lại ngắm
nhìn khung cảnh phía sau, một chút buồn, một chút lưu luyến, cố giữ cho hình ảnh
về vùng đất này in thật sâu vào tâm trí. Vậy là kết thúc cuộc hành trình, không
đơn thuần là một chuyến đi chỉ để ngắm nhìn mà nó còn là một hành trình tìm lại
những điều đã lãng quên.
Chụp một bức ảnh lưu niệm cùng những người bạn rồi lên đường
trở về.
Đối với tôi, Đak Lak là một mảnh đất thân thuộc, như một người
bạn thân thương với thật nhiều kỉ niệm đẹp. Không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ mà
còn có tình người mộc mạc và giản dị. Nếu có cơ hội, bạn hãy một lần du lịch
Đak Lak, khám phá, chiêm ngưỡng và viết tiếp giúp tôi những cuộc hành trình mới
về vùng đất Tây Nguyên tuyệt diệu này.
https://blog.traveloka.com